image banner
Thị xã Sông Cầu xưa và nay
Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành quyết định 1746/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý cao nhất bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh Phú Yên trong nhiều thập kỷ.

Mục tiêu tổng quát quy hoạch tỉnh Phú Yên dựa trên lợi thế biển với ba trụ cột chính, trong đó phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh lam thắng cảnh…

Trước đó, ngày 20/01/2011, vịnh Xuân Đài được Bộ VHTT&DL xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia. Ngày 26/4/2018, ông Ngô Hoài Chung thay mặt Bộ VH-TT&DL về tỉnh Phú Yên công bố quyết định số 217/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài đến năm 2030. Cùng với niềm vui chung của tỉnh Phú Yên, thị xã Sông Cầu - đô thị phía Bắc của tỉnh – một thời là thủ phủ của tỉnh Phú Yên đang nỗ lực xây dựng và phát triển để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025, trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh Phú Yên đã được Chính phủ phê duyệt.

Thị xã Sông Cầu có diện tích xấp xỉ 50.000 hecta, có bờ biển gần 90km, có vịnh Xuân Đài với diện tích mặt nước 130,45km², được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển 15km, tạo thành bán đảo Xuân Thịnh bao bọc vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (diện tích 26,55km2).

Giang sơn cẩm tú lung linh, bức tranh sơn thủy hữu tình với nhiều đảo, bán đảo như: Cù lao Ông Xá, đảo Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã… Người mẹ thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho thị xã Sông Cầu nhiều vùng biển và bãi tắm tuyệt đẹp như thiên đường ở hạ giới, như: Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào, Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Nhổm, Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Tràm, Bãi Chõ, Bãi Vịnh Hòa, Bãi Từ Nham, Khu du lịch Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh)…

Thị xã Sông Cầu là địa bàn quan trọng của công viên địa chất Phú Yên, hướng tới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa, xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững. Lợi thế biển của thị xã Sông Cầu không chỉ có thế, mà còn phát huy lợi thế đầm, vịnh để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát huy các làng nghề truyền thống. Song song với việc phát triển kinh tế biển, kinh tế lâm nghiệp trong những năm gần đây luôn được chú trọng phát triển theo hướng bền vững, từng bước hình thành các công viên cây xanh theo mô hình “rừng trong phố”, hướng đến xây dựng đô thị Sông Cầu xanh - thân thiện với thiên nhiên.

CÁC DẤU ẤN LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Thị xã Sông Cầu có hai di chỉ khảo cổ Cồn Đình, Gò Ốc nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đã và đang được các nhà khảo cổ học và nghiên cứu lịch sử giải mã.

Năm Mậu Dần 1578, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử Trấn Biên quan Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân vượt đèo Cù Mông và bằng đường biển vào cửa Cù Mông, vịnh Xuân Đài. Sau 33 năm khẩn hoang lập làng, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên (trực thuộc Thừa tuyên Quảng Nam).

Năm 1629, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên (đơn vị hành chính cấp tỉnh), thủ phủ đóng ở bờ nam của vịnh Xuân Đài. Có thể khẳng định rằng, vùng đất Sông Cầu hôm nay là nơi mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn.

Năm 1775, vịnh Xuân Đài là nơi ghi dấu ấn chiến công Vũng Lấm là nơi lưu dấu ấn lịch sử sự kiện ngoại giao Việt - Mỹ. Ngày 05/01/1833 phái đoàn đầu tiên của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn, đánh tan hai vạn quân Ngũ dinh của tướng Tống Phước Hiệp, mở rộng địa bàn kiến lập của phong trào Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghiệp. Hòn Nần (xã Xuân Cảnh), nơi có miếu Công thần (Cù Mông Công thần miếu), nơi ghi dấu ấn trận đánh khốc liệt giữa tướng Phạm Văn Điềm - đô đốc Tây Sơn, trấn thủ Phú Yên và đô đốc Mai Đức Nghị (tướng của chúa Nguyễn Ánh). Năm 1801, toàn bộ lực lượng của Mai Đức Nghị bị vây hãm và chết đói ở Hòn Nần.

Vũng Lấm là nơi lưu dấu ấn lịch sử sự kiện ngoại giao Việt - Mỹ. Ngày 05/01/1833 phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Mỹ do ông Edmurd Roberts làm trưởng đoàn và Đại úy Georges Thompson làm phụ tá, đi trên thuyền Peacock thả neo tại Vũng Lấm trong vịnh Xuân Đài, thăm chính thức nước Đại Nam, trình quốc thư của Tổng thống Andrew Jackson lên vua Minh Mạng. Nhà vua đã cử hai quan đại thần Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phúc, từ kinh đô Huế vào Phú Yên, cùng quan sở tại lên thuyền Peacock thương nghị và tổ chức yến tiệc chiêu đãi trọng thể phái đoàn ngoại giao Mỹ quốc. Sự kiện này mở đầu lịch sử bang giao hai nước Việt - Mỹ trong tiến trình lịch sử.

Thị xã Sông Cầu là quê hương của quyền Tổng đốc Nam Ngãi Đào Trí, danh tướng triều Nguyễn, có công đánh lui quân Pháp bảo vệ Đà Nẵng năm 1858. Mộ và đền thờ Đào Trí tại quê hương Sông Cầu được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đào Trí được đặt tên đường ở thành phố Đà Nẵng, Quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh).
Thị xã Sông Cầu lưu dấu ấn cuộc khởi nghĩa bi tráng của Võ Trứ tại Dốc Quýt, trên đường tiến quân về tỉnh lỵ Sông Cầu cuối thế kỷ XIX. Ông bị thực dân Pháp xử chém. Ông để lại 13 bài thơ thể hiện dũng khí giành lại giang sơn. Thị xã Sông Cầu là nơi phái viên Xứ ủy Trung kỳ Lê Tự Nhiên truyền đạt mệnh lệnh tổng khởi nghĩa cho Tỉnh ủy Phú Yên. Cuộc cách mạng tháng Tám tại Phú Yên thành công rực rỡ tại tỉnh lỵ Sông Cầu và trong toàn tỉnh.

Ngày 26/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên ra mắt quần chúng tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, thị xã Sông Cầu lập nhiều chiến công hiển hách, lưu lại nhiều di tích lịch sử sống mãi cùng năm tháng.

anh tin bai

Hòn Nhất Tự Sơn – một danh thắng, điểm đến nổi tiếng trong Vịnh Xuân Đài, nơi có con đường xuyên qua mặt nước biển. Ảnh: Trần Quới

KIẾN TẠO HIỆN TẠI HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Tháng 6/2022, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 NQ/ TU, ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên: Xây dựng phát triển thị xã Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Ngoài các phường hiện có (Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài), trong những năm qua, thị xã Sông Cầu nỗ lực xây dựng 5/9 xã đủ điều kiện trở thành phường, gồm: Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Lộc, Xuân Thịnh và Xuân Phương, nhằm đạt tỉ lệ đơn vị hành chính cấp phường trên 65%, đáp ứng yêu cầu thành phố trực thuộc tỉnh.

Thị xã Sông Cầu nỗ lực thực hiện quy hoạch chung đô thị Sông Cầu đến năm 2045, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 theo hướng mở rộng không gian đô thị, quy hoạch phân khu các xã sẽ thành lập phường; đồng thời quy hoạch phân khu các phân vùng thuộc Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, quy hoạch chi tiết đảm bảo hài hòa, phù hợp kiến trúc, cảnh quan công trình nhỏ ở dạng biệt thự, nhà vườn dọc hai bờ sông và trên đồi có hướng nhìn ra vịnh Xuân Đài.

Thành phố Sông Cầu trong tương lai gần (2025), gồm 9 phường và 4 xã (Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2). Được định hướng phát triển đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tổ chức không gian và tạo lập hình ảnh đô thị mang bản sắc riêng, đảm bảo phát triển bền vững. Đó là thành phố biển tiếp giáp với thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), liền kề với thị xã Tuy An (dự kiến năm 2025 huyện Tuy An nâng cấp lên thị xã), nối thông với thành phố biển Tuy Hòa (tỉnh lỵ Phú Yên) và thị xã Đông Hòa, hoàn thiện chuỗi đô thị ven biển Phú Yên, từ đèo Cù Mông đến Đèo Cả với chiều dài bờ biển 189km, hình thành một cung đường ven biển tuyệt đẹp ở vùng đất cực Đông trong tổng thể chuỗi đô thị ven biển Nam Trung bộ kéo dài từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận.

Hàng loạt dự án du lịch đã và đang hình thành ở thị xã Sông Cầu. Thành phố Sông Cầu trong tương lai sẽ là đô thị biển, đô thị động lực cửa ngõ phía Bắc, đô thị dịch vụ du lịch, đô thị sinh thái và nhân văn.

Với niềm tin và quyết tâm chính trị, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Sông Cầu đang hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, để sớm vươn lên tầm cao mới, để du khách qua Sông Cầu cảm nhận sâu hơn về một vùng đất với bề dày truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa.

Sông Cầu hôm nay và mai sau hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp mà nhà thơ chiến sĩ Xuân Hoàng khi nam tiến qua Sông Cầu gần nửa thế kỷ trước, đã cảm tác:
Thơ kị nhất viết điều người đã viết
Nhưng biết sao khi tôi thích Sông Cầu
Thị xã đẹp như một lời tiễn biệt
Xanh điệp trùng núi biển đứng chen nhau…!

Đ/c Đỗ Thái Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên - Nguyên Bí Thư Thị ủy Sông Cầu

 Nguồn trích từ Tạp chí Xưa và Nay


Video clips
  • Phát triển Sông Cầu thành đô thị xanh - sạch - đẹp
  • Xác lập Kỷ lục Việt Nam 100 món ăn từ Tôm hùm
  • Thả diều nghệ thuật TX Sông Cầu lần thứ I - năm 2022 với chủ đề “Đại dương xanh - Tương lai xanh”
  • Highlight sự kiện họp báo tổ chức Lễ hội Tôm hùm thị xã Sông Cầu ngày 24.6.2022
  • Thị xã Sông Cầu tạo động lực bứt phá
  • Độc đáo Lễ Hội Vịnh Xuân Đài, nét đặc trưng cư dân miền biển
1 2 
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Bản đồ Thị xã Sông Cầu
image advertisement
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1