Giới thiệu Thị xã Sông Cầu
Sông Cầu là thị xã nằm ở ven biển cực bắc tỉnh Phú Yên. Đồi núi chiếm đa số, xen kẽ là một số cánh đồng lúa nhỏ. Là địa phương có chiều dài đường bờ biển lớn nhất tỉnh, vì thế đã tạo nên nhiều danh thắng như Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông. Trên địa bàn còn có một số bán đảo lớn như: Xuân Thịnh, Xuân Hải. Ngoài ra, còn nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp như: Vịnh Hòa, Bãi Tràm, Bãi Bàu...
Với diện tích: 492,8 km², phía bắc giáp thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đông giáp biển Đông với bờ biển dài 80 Km, tây giáp huyện Đồng Xuân, nam giáp huyện Tuy An, phía tây bắc còn có một phần đất giáp với huyện Vân Canh tỉnh Bình Định.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Năm 1611, địa danh Sông Cầu lần đầu tiên được xuất hiện thuộc huyện Đồng Xuân, phủ Trấn Biên.
Từ năm 1888-1889, tỉnh lỵ Phú Yên đặt tại Vũng Lắm (nay thuộc phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu). Từ năm 1899-1945, tỉnh lỵ được chuyển đến tại Long Bình (nay thuộc phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu).
Năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập Nha đại diện hành chánh Sông Cầu. Năm 1957, thành lập quận Sông Cầu gồm các xã: Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thọ tách ra từ quận Đồng Xuân.
Sau năm 1975, quận Sông Cầu sáp nhập với quận Đồng Xuân thành huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Khánh.
Tháng 3 năm 1977, huyện Đồng Xuân và huyện Tuy An được nhập lại thành huyện Xuân An. Tuy nhiên đến tháng 9 năm 1978 lại tách ra thành hai huyện Tuy An và Đồng Xuân.
Ngày 27 tháng 6 năm 1985, huyện Đồng Xuân lại chia tách thành hai huyện Đồng Xuân và Sông Cầu.
Khi mới tách ra, huyện Sông Cầu có thị trấn Sông Cầu và 9 xã: Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Lộc, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2.
Tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh cũ chia lại thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Huyện Sông Cầu thuộc tỉnh Phú Yên vừa được tái lập.
Ngày 16 tháng 5 năm 2005, thành lập xã Xuân Lâm trên cơ sở điều chỉnh 13.038 ha diện tích tự nhiên và 4.003 nhân khẩu của thị trấn Sông Cầu.
Từ đó đến cuối năm 2008, huyện Sông Cầu có 1 thị trấn Sông Cầu (huyện lị) và 10 xã: Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Lâm, Xuân Lộc, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2.
Ngày 27 tháng 8 năm 2009, huyện Sông Cầu được chuyển thành thị xã trực thuộc tỉnh Phú Yên[1]. Đồng thời, thành lập 4 phường Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu:
Thành lập phường Xuân Yên trên cơ sở điều chỉnh 229,34 ha diện tích tự nhiên và 668 nhân khẩu của xã Xuân Phương; 273,01 ha diện tích tự nhiên và 5.201 nhân khẩu của thị trấn Sông Cầu.
Thành lập phường Xuân Phú trên cơ sở điều chỉnh 1.116,61 ha diện tích tự nhiên và 8.324 nhân khẩu của thị trấn Sông Cầu.
Thành lập phường Xuân Thành trên cơ sở điều chỉnh 163,00 ha diện tích tự nhiên và 6,047 nhân khẩu còn lại của thị trấn Sông Cầu; 365,57 ha diện tích tự nhiên và 3.074 nhân khẩu của xã Xuân Thọ 1; 9,08 ha diện tích tự nhiên và 120 nhân khẩu của xã Xuân Lâm.
Thành lập phường Xuân Đài trên cơ sở điều chỉnh 418,57 ha diện tích tự nhiên và 3.145 nhân khẩu của xã Xuân Thọ 1; 643,30 ha diện tích tự nhiên và 5.858 nhân khẩu của xã Xuân Thọ 2.
Ngày 4 tháng 3 năm 2019, Bộ Xây dựng ra Quyết định công nhận thị xã Sông Cầu là đô thị loại III.
Theo quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2030, thị xã Sông Cầu sẽ nâng cấp trở thành thành phố Sông Cầu gồm 8 phường nội thị: Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Hòa, Xuân Lộc, Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Đài và 6 xã ngoại thị: Xuân Bình, Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2.
VĂN HOÁ ẨM THỰC - LỄ HỘI
Ẩm thực: Sông Cầu có rất nhiều dừa, và các sản phẩm từ dừa cũng phong phú: bánh su sê, cháo nước dừa, gà hầm nước dừa, xôi dừa, mứt dừa... Sông Cầu còn có món đuông dừa chiên, là một đặc sản chỉ có ở Sông Cầu, người ta bắt con đuông còn non (thời kỳ con đuông đang làm nhộng) đem chiên bột sau khi rửa sạch và tẩm gia vị. Món đuông chiên còn ngon hơn khi ăn với rượu gạo Mỹ Phụng.
Lễ hội: Sông Cầu có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như: Lễ hội cầu ngư tổ chức ở các xã Xuân Hải, xã Xuân Hòa, xã Xuân Cảnh, xã Xuân Thịnh, phường Xuân Thành. Lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó được chú ý nhất là các cuộc đua thuyền.
TIỀM NĂNG DU LỊCH
Thị xã Sông Cầu có tiềm năng du lịch rất lớn, với nhiều bãi biển đẹp dọc theo quốc lộ 1D và quốc lộ 1A. Chủ yếu vẫn là các bãi tắm, khu du lịch sinh thái, và mang tính chất tự nhiên và hoang sơ.
Các bãi tắm đang được khai thác như: Bãi Bàu, Bãi Bàng, Trùng Dương, Bãi Rạng dọc theo quốc lộ 1D. Khu nghỉ du lịch Bãi Tràm. Khu du lịch sinh thái Nhất Tự Sơn, thác Cây Đu.
Và cũng có nhiều khu nổi tiếng nhưng chưa được đầu tư khai thác thỏa đáng như: Vũng Chào, Vũng Lắm, Vũng La, Vũng Me, đập Thạch Khê,...
Cùng với việc trở thành thị xã, chính quyền tại Sông Cầu mong muốn sẽ khai thác các tài nguyên du lịch dồi dào để trở thành thị xã du lịch trong tương lai.
Các Điểm Du lịch Của Sông Cầu:
Vịnh Xuân Đài.
Đầm Cù Mông.
Bãi Bàng - Bãi Bàu - Bãi Nhổm - Bãi Rạng.
Bãi biển Từ Nham.
Bãi Nồm.
Bãi Tràm.
|