Đôi nét về Hành cung Long Bình
Theo dòng lịch sử: năm 1899, trung tâm của chính quyền Nam triều chuyển từ Thành An Thổ (huyện Tuy An) ra Sông Cầu. Đại Nam Nhất thống chí chép: “Tỉnh thành: ở thôn Bình Long, huyện Đồng Xuân. Thành rào bằng gai, không có rào, chu vi 2.210 trượng; nguyên trước ở tại hai thôn Xuân Đài, Long Uyên thuộc phủ Tuy An. Năm Thành Thái thứ 11 (1899) được dời đến đây”.
Trong tác phẩm Địa dư tỉnh Phú Yên, các tác giả Nguyễn Đình Cầm và Trần Sỹ nhắc đến Hành cung Long Bình, như sau: “Sông Cầu: là tịnh lỵ cất trên bờ vịnh Xuân Đài về làng Phước Lý, cách Quy Nhơn 61 cây số. Dân cư mới được 1.000 người, phố xá rải rác năm bảy cái... dọc theo bờ biển có lầu quan Công sứ, cùng các công sở. Cách Sông Cầu 500m thì có tỉnh đường, có Hành cung, có dinh quan tuần vũ và các ty”.
Hành cung Long Bình nằm ở vị trí trung tâm của thành Long Bình xưa (thủ phủ tỉnh Phú Yên 1899-1945), có mặt tiền ở hướng chính nam, kiến trúc chính của Hành cung, gồm có: tòa chính điện, cổng và tường bao. Trải qua thời gian, tòa chính điện của Hành cung Long Bình hiện tại chỉ còn phần nền móng và một mảng tường ở vách tây. Nền có diện tích 16m x 16m, được xây dựng cao hơn mặt bằng xung quanh 1,5m. Lớp gạch đá xây ốp móng dày 0,8m, mảng tường phía tây bằng đá, độ cao từ 0,8 đến 1,3m, dày 0,5m. Phía trước tòa chính điện có bậc cấp đi lên, được chia thành ba lối đi bởi bốn dải phân cách là các trụ biểu được trang trí bằng hình tượng rồng đắp nổi – tượng trưng cho vương quyền. Lối đi chính giữa dành cho vua, rộng 3,8m; lối đi bên tả và bên hữu là lối đi của quan văn và quan võ, rộng 2,4m. Hiện tại, bốn trụ biểu vẫn còn nguyên vẹn, mỗi trụ có hình tròn, độ cao 5m, đường kính thân trụ 0,6m. Quấn quanh các thân trụ là hình rồng đắp nổi, màu đỏ. Phần đỉnh trụ trang trí hình búp sen, cao 0,6m. Trên đỉnh các trụ cổng, các góc tường bao, có chỗ để đèn lồng thắp sáng vào ban đêm.
Qua khỏi cổng là sân chầu của Hành cung Long Bình. Nơi đây tập trung quan văn, quan võ khi vua ngự hoặc trong các ngày lễ trọng đại của triều đình nhà Nguyễn. Tòa chính điện của Hành cung có hình vuông, giữa tòa chính điện có xây bục cao, trên bục là ngai vua bằng gỗ sơn son thếp vàng. Phía trước cổng Hành cung có hồ sen, hiện hồ sen đã bị nhân dân tạm thời san lấp làm nhà ở. Cách Hành cung khoảng 50m qua hồ sen là cột cờ. Hiện tại cột cờ chỉ còn phần đế hình lục giác mỗi cạnh 2,6m, cao 2,5m, xung quanh được ốp một lớp đá dày 0,8m, ở giữa đổ đất. Vòng tường bao Hành cung có hình vuông, phần đế đang tồn tại rõ nét. Xung quanh Hành cung là Tỉnh đường, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, Trại binh và Nhà lao Sông Cầu.
Vua Bảo Đại từng hai lần về ngự tại Hành cung Long Bình. Lần thứ nhất vào tháng 1/1933, khi vua Bảo Đại đi thăm đập Đồng Cam. Lần thứ hai, vua Bảo Đại ngự tại Hành cung Long Bình năm 1936, khi nhà vua về Phú Yên cùng Toàn quyền Đông Dương chủ trì lễ khánh thành hệ thống đường sắt xuyên Việt, nối ray cuối cùng tại ga Hảo Sơn ngày 2/9/1936.
Khi vua ngự, các quan văn võ triều đình tháp tùng nhà vua và quan lại địa phương mặc triều phục xếp hàng theo thứ tự phẩm trật dưới sân chầu làm lễ bái. Nhân dân trong làng Long Bình và nhiều làng lân cận, cùng các chức sắc địa phương, tập trung nghênh giá hai bên đường vào trung tâm tỉnh lỵ Sông Cầu và trên đường Thiên Lý (Quốc lộ 1A đoạn đường trung tâm TX Sông Cầu ngày nay) để nghênh đón vua Bảo Đại.
Hành cung là nơi dừng chân của vua khi đi kinh lý, thị sát ở địa phương. Hành cung còn là nơi tổ chức những nghi lễ theo quy định của triều đình. Dưới thời Nguyễn, Hành cung Phú Yên còn là nơi bái vọng của hai nước Thủy Xá, Hóa Xá: “... Vua Thiệu trị năm đầu (1841), tháng 2, nước Thủy Xá sai sứ kính đệ cống phẩm (Thủy xá, hai chiếc ngà voi, hai cái sừng tê; Hỏa Xá một chiếc ngà voi, một cái sừng tê), đến tại Hành cung Phú Yên bái vọng, dâng cống lễ, đợi lĩnh sắc thư và nhận lễ vật về nước... Năm thứ 3 (1843), tháng 6, sang cống... cho vọng bái ở Hành cung Phú Yên, ban thưởng cho về”.
Gần Hành cung Long Bình là đình Long Bình. Đình Long Bình trước kia ở nơi khác. Năm 1899, khi tỉnh lỵ Phú Yên dời về thành Long Bình thì đình Long Bình được dời về địa điểm này và do Bộ Lễ đứng ra cúng tế.
Hướng đầu tư phục dựng và khai thác di tích phục vụ phát triển du lịch
Sau Cách mạng tháng 8-1945, chính quyền cách mạng tiếp quản toàn bộ công sở của Hành cung. Cuối năm 1946, ta đã phải tiêu hủy toàn bộ các công trình này trong đó có khu hành cung để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Thời kỳ 1954-1975, thành Long Bình là nơi chính quyền Mỹ- ngụy dồn dân, lập ấp chiến lược. Trên nền móng của những công trình kiến trúc cũ, một số công sở được xây dựng để phục vụ chính quyền đương thời. Nhiều nhà ở của nhân dân cũng lấn chiếm xây dựng. Việc bóc dỡ gạch, đá để lấy vật liệu xây dựng các công sở, nhà cửa đã làm mất dần vết tích của các công trình kiến trúc.
Công trình này nhiều khả năng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nếu được đầu tư phục dựng như nguyên trạng theo đúng Luật Di sản văn hóa. Rất cần thiết phục dựng Hành cung Long Bình theo đúng nguyên trạng trong lịch sử, như đã miêu tả, gồm: Tam quan bằng gỗ quý như một cửa Ngọ Môn thu nhỏ, hồ sen, sân chầu, ngai vàng, phòng làm việc và nơi nghỉ ngơi của vua Bảo Đại và các bề tôi...; các loại cây cảnh, hoa văn họa tiết như nguyên gốc trong toàn bộ khu vực Hành cung. Toàn bộ Hành cung Long Bình nếu được phục dựng, sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của vùng đất Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) để du khách trong ngoài nước thưởng ngoạn một Di tích văn hóa, lịch sử kiến trúc rất hấp dẫn của ông cha ta thời nhà Nguyễn.
Cần xây dựng phòng trưng bày về tỉnh lỵ Sông Cầu thời nhà Nguyễn và các dấu ấn văn hóa lịch sử triều đình phong kiến nhà Nguyễn trên đất Phú Yên. Tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách mang nét đặc trưng: trải nghiệm nơi ăn, nghỉ của vua Bảo Đại và quần thần, bao gồm thưởng thức nghệ thuật, các làn điệu dân ca bài chòi và diễn xướng dân gian Phú Yên, các đặc sản đặc trưng của Sông Cầu và tỉnh Phú Yên cung tiến vua Bảo Đại trong thời gian nhà vua lưu lại làm việc và nghỉ ngơi ở Hành cung, như: loại cua tiến vua Bảo Đại rất thích, sau này được gọi lên là cua Huỳnh (Hoàng) đế…
Trung tâm thị xã Sông Cầu
TX Sông Cầu đang trên đà xây dựng phát triển để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Do vậy, việc phục dựng tôn tạo và phát huy những di sản văn hóa nói chung và Di tích Hành cung Long Bình nói riêng là vô cùng cấp thiết, góp phần làm cho ngành Du lịch, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn phát triển mạnh trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa và những tài nguyên thiên nhiên biển – rừng vô cùng phong phú và đặc sắc của vùng đất Sông Cầu.
Mai Thanh Hồng - Trần Quới
Nguồn trích từ Tạp chí Xưa và Nay