Người dân địa phương dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Mộ và địa điểm đền thờ Đào Trí. Ảnh: THÙY THẢO
Văn võ song toàn
Đào Trí sinh khoảng năm 1799, tự Trung Hòa, gốc người Thanh Hóa, chuyển vào Phú Yên sinh sống tại thôn Tân Thạnh, thuộc huyện Đồng Xuân trong thời kỳ khẩn hoang, lập ấp (nay thuộc phường Xuân Đài, TX Sông Cầu). Xuất thân từ tầng lớp bình dân, có tài thao lược về binh pháp, Đào Trí là quan đại thần phụng sự lần lượt cả ba triều vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), Đào Trí được phong hàm Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự, là một trong những vị quan võ cao cấp nhất trong hệ thống quân đội của nhà Nguyễn. Ông còn là một trong những võ quan có nhiều chiến công trong việc đập tan kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp xâm lược, trong những năm 1858-1859. Thân thế và sự nghiệp của Đào Trí được ghi chép trong các bộ chính sử của Triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam chính biên liệt truyện…
Không những thế, ông Đào Trí còn là một quan đại thần có nhiều công lao trong việc giáo hóa Nhân dân. Khi đương chức Tổng đốc Định Yên, thấy việc thi hương có nhiều phiền nhiễu, ông đã khảo sớ dâng vua xin cải cách, được vua khen là phải và cho thi hành; hoặc khi người dân Nam Định bị mất mùa đói kém, ông đã cùng với Bố chính sứ Nguyễn Huy Kỷ và Án sát sứ Lê Tuấn tổ chức quyên góp tiền, lúa để cấp cho dân nghèo. Ông cũng là người đứng ra tổ chức đắp đê, khai hoang hơn 17.000 mẫu ruộng, giao cho Nhân dân cày cấy. Ông được vua Tự Đức hết lời khen ngợi, ban thưởng tấm kim bài với chữ “Vị đức - Vị dân”, sai sử quan soạn bài văn bia ghi chép công đức lưu truyền với đôi câu đối:
Thục sản trường tồn thiên địa hật
Ân triêm vinh dũ quốc phong trường.
Tạm dịch: Công lao tồn tại cùng trời đất
Ân đức lưu truyền với nước non.
Đánh giá về cuộc đời binh nghiệp của ông, sách Đại Nam Chính biên liệt truyện có chép: “Đào Trí nhanh nhẹn, thẳng thắn, thích văn chương. Tuy xuất thân là võ quan, nhưng thường đón thầy dạy học, thích đọc sách Vũ kinh, học qua kinh sử…, đúng là bề ngoài thì võ mà bề trong thì văn. Khi đốc suất việc tỉnh thì chính sự được chỉnh đốn, khi thống quản việc quân thì thao lược thông thạo, võ thần như thế thật là ít có”. Công lao của ông đã gắn liền với sự phát triển của đất nước, của dân tộc, của quê hương Sông Cầu. Đào Trí mất năm 80 tuổi (1878) tại làng Tân Thạnh và hiện nay được hậu duệ ông thờ phụng.
Nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Năm 2015, Mộ và địa điểm đền thờ Đào Trí được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Với mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân TX Sông Cầu rất quan tâm công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn, trong đó có di tích mộ và đền thờ Đào Trí.
Thầy Dương Ngọc Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đài (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) cho biết: “Việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh không chỉ được nhà trường dạy lồng ghép trong các môn học mà còn được thực hiện trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Đặc biệt, nhà trường phối hợp với Hội Cựu chiến binh phường nói chuyện về cuộc đời, thân thế và sự đóng góp của cụ Đào Trí để vừa giúp các em có thêm kiến thức lịch sử địa phương, vừa nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương đã thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó, các em nâng cao được ý thức trách nhiệm trong học tập”.
Nói về vấn đề này, ông Đào Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Xuân Đài cho biết: “Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Theo đó, hội đã mời những cựu chiến binh lớn tuổi tổ chức những buổi nói chuyện lịch sử cho đoàn viên thanh niên, các em học sinh về các di tích lịch sử, các danh nhân của địa phương. Đây là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp đoàn viên, học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn”.
Là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Đào Trí, ông Đào Vạn hiện đang thờ phụng và gìn giữ khu mộ và đền thờ cụ Đào Trí. Ông Vạn bộc bạch: “Tôi thường xuyên giáo dục con cháu mình về tấm gương kiên trung, vì nước vì dân của cụ Đào Trí để truyền thụ, bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ con cháu. Tôi thấy việc giáo dục thông qua những câu chuyện có thật như thế này vô cùng hữu ích. Từ đó, chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống của cha ông mình. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư, xây dựng, trùng tu di tích Mộ và địa điểm đền thờ Đào Trí ngày càng khang trang”.
Theo Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy, hàng năm, thị xã tổ chức lễ dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Mộ và địa điểm đền thờ Đào Trí để thể hiện sự tri ân sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước; đồng thời bày tỏ ý chí chung sức, chung lòng, tiếp nối cuộc hành trình dựng xây mà ông cha ta đã gầy dựng và tự soi về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Đây là việc làm thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chung sức, chung lòng phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, để xây dựng TX Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025.
“Những nén tâm hương được thắp lên còn là lời hứa quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX Sông Cầu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Phan Trần Vạn Huy nói.
Theo Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy, thời gian tới, TX Sông Cầu mong Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục giúp đỡ về chủ trương, cơ chế, tài chính..., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thị xã sớm triển khai trùng tu, phục dựng mộ và đền thờ Đào Trí. Điều này vừa thể hiện tính nghiêm trang thành kính đối với bậc tiền nhân có công dựng và giữ nước, vừa tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành các kế hoạch của tỉnh về phân cấp quản lý, trùng tu, bảo dưỡng các di tích lịch sử - văn hóa được công nhận; tạo thêm điểm nhấn về du lịch tâm linh cội nguồn cho du khách khi đến với Phú Yên và TX Sông Cầu.
Nguồn: Báo Phú Yên