Rạn san hô Hòn Yến. Ảnh nguồn internet
Cụ thể, vùng lõi
(A0) là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô Nam Hòn Yến: có vị trí là vùng
biển được bao quanh từ A1-A2-A3-A4-A5-A6-A1. Vùng này có độ sâu thay đổi từ 0m
(khi triều cạn thấp nhất) đến đường đẳng sâu 5m, giao lưu tốt với vùng biển
ngoài đang nuôi ương tôm hùm. Tổng diện tích phân khu bảo vệ là 17,69ha.
Vùng đệm (B1) là
phân khu liên kết du lịch và nghiên cứu địa chất: có vị trí tại rạn san hô Bắc
Hòn Yến và bãi tắm Phú Thường, là vùng biển bao quanh các mốc tọa độ, biên
trong vùng bờ từ B1-B1a-B2-B2a, biên ngoài rạn B4-B6-B2a-B2. Vùng này kéo dài
từ giới hạn của rạn san hô chết ven bờ ra đến đường đẳng sâu 15m, với tổng diện
tích 22,5ha.
Vùng đệm (B2) là
phân khu phát triển nuôi ương tôm hùm: được phân bố tại rìa phía Đông rạn san
hô Nam Hòn Yến, là vùng biển bao quanh các biên mốc tọa độ từ B4-A3-A5-B7-B6 và
biên ngoài rạn B4 đến B6-B7, vùng này kéo dài từ giới hạn của rạn san hô ra đến
đường đẳng sâu 15m, với tổng diện tích phân khu 20ha, diện tích phân vùng này
được căn cứ theo diện tích thực tế đang nuôi cũng như việc đảm bảo tính ổn định
cho các phân vùng khác.
Vùng đệm (B3) là
phân khu dịch vụ hậu cần nghề cá được phân bố tại rìa phía Nam rạn san hô Nam
Hòn Yến, có ranh giới với các mốc tọa độ từ A6-A7- B6-A5-A6, tổng diện tích
phân vùng 8,35ha. Vùng khai thác hợp lý có vị trí nằm ngoài 4 vùng chức năng
trên.
Theo chức năng,
hoạt động tại các vùng, vùng lõi (A0) là vùng bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhằm
hạn chế tối đa những ảnh hưởng, tác động làm thay đổi điều kiện tự nhiên, môi
trường, khả năng phục hồi, phát triển hệ sinh thái san hô, đa dạng sinh học;
duy trì tính ổn định tự nhiên cho các hệ sinh thái, bảo vệ sự xâm hại đến môi
trường sinh sản, phát triển các loài thủy, hải sản, các loài có giá trị về kinh
tế, sinh thái và khoa học. Ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ, phục
hồi hệ sinh thái san hô; phục hồi đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học.
Đối với vùng
đệm, vùng đệm (B1) là khu vực tiềm năng có khả năng phát triển du lịch sinh
thái. Việc phát triển du lịch ở phân vùng này cần được giám sát chặt chẽ, gắn
liền phát triển du lịch với bảo vệ nguồn lợi. Một số hình thức có thể triển khai
ở đây gồm: du lịch lặn snorkling hoặc câu cá sau đó tham quan các lồng nuôi…
tạo thành một tour du lịch trong ngày. Vùng đệm (B2) tập trung nuôi tôm giống
và tôm thương phẩm mang tính ổn định và lâu dài nhằm đảm bảo nguồn thu nhập
chính cho cộng đồng dân cư sống tại đây. Về lâu dài sẽ phát triển theo hướng mô
hình dịch vụ khoa học và mô hình dịch vụ du lịch. Vùng đệm (B3) tập trung neo
đậu tàu, thuyền phục vụ khách tham quan, du lịch; nơi neo đậu tàu thuyền khai
thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá vào thời điểm có thời tiết ổn định
trong năm. Không nên tập trung quá đông tàu thuyền vào mùa mưa bão, triều
cường.
Đối với vùng
khai thác hợp lý, là vùng dành cho việc khai thác nguồn lợi một cách hợp lí,
đảm bảo cuộc sống hiện tại và tương lai cho cộng đồng dân cư địa phương. Là
vùng khuyến khích tổ chức thực hiện các hình thức khác như: du lịch, neo đậu
tàu thuyền và các hoạt động, dịch vụ khác…
Quy định này cũng nêu rõ, các hoạt động liên quan đến việc phục hồi hệ sinh thái và tái tạo
nguồn lợi thủy sản trong vùng quản lý phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm
quyền. Các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản chỉ được tiến hành trong
vùng quản lý, phải tuân thủ đầy đủ những quy định về bảo vệ môi trường, sinh
cảnh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Khuyến
khích áp dụng các hình thức nuôi trồng thủy sản sinh thái để tái tạo nguồn lợi
thủy sản, phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học.
Về hoạt động
thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hoạt động khảo sát, khảo cổ, nghiên cứu khoa học
dưới nước trong vùng quản lý phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phải
tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường và các quy định
pháp luật khác có liên quan.
Việc tổ chức các
hoạt động du lịch văn hoá, thương mại không được làm ảnh hưởng xấu đến nguồn
lợi, sinh cảnh của vùng quản lý. Các dự án phát triển du lịch trong vùng quản
lý phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích cộng đồng cư dân
tham gia các hoạt động du lịch, thương mại, văn hoá và các hoạt động khác phải
phù hợp chức năng của các vùng biển được được cấp có thẩm quyền quy định.
Đối với hoạt
động tham gia quản lý của cộng đồng, tập thể, cá nhân, hộ gia đình tại địa
phương có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô và các hệ
sinh thái liên quan. Cộng đồng dân cư thực hiện quyền giám sát, phát hiện, tố
cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rạn san hô, đa dạng
sinh học và các hệ sinh thái liên quan.
Mỹ Luận
Nguồn: https://www.phuyen.gov.vn/